Trở thành Senior Developer là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của bất kỳ developer nào. Bởi đây được xem là bước nâng cấp có giá trị trên con đường sự nghiệp của một lập trình viên.
Thông thường, hành trình của một developer được thể hiện qua các cấp bậc tăng dần như sau: Fresher ➔ Junior Developer ➔ Senior Developer ➔ Technical Architect ➔ Software Development Manager ➔ Chief Technology Officer (CTO)
Trên hành trình này, được công nhận là Senior Developer sẽ giống như một dấu mốc lớn, để từ đó một lập trình viên có thể đạt được những thành tựu lớn hơn trong sự nghiệp chuyên môn của mình. Tuy nhiên, để đạt tới trình độ này, bạn không chỉ cần kinh nghiệm và nền tảng kiến thức tốt về lập trình mà còn cần trau dồi thêm bộ kỹ năng (skillset) quan trọng khác.
Chúng ta hãy cùng nhau nói về cách nhà tuyển dụng đánh giá thế nào là một Senior Developer thực thụ trong bài viết dưới đây 😉
Định nghĩa về một Senior Developer
Một cách dễ hiểu, đây là một lập trình viên có chuyên môn tốt, dày dặn kinh nghiệm và nắm giữ một trong những vị trí quan trọng trong lĩnh vực sản xuất của một công ty công nghệ.
Người này thường chịu trách nhiệm thiết kế tạo ra những cách thức triển khai cho dự án, quản lý quy trình làm việc của các thành viên junior hoặc đóng một vai trò nòng cốt trong một nhóm dự án bất kỳ.
Senior Developer có khả năng lựa chọn công cụ và thuật toán phù hợp để thực hiện dự án hiệu quả. Họ thường làm cố vấn hướng dẫn cho các lập trình viên middle/junior để giúp đưa ra những cách thức fix lỗi, cải thiện hiệu quả công việc một cách tốt nhất.
Cuối cùng, một Senior Developer đòi hỏi cần có cái nhìn kĩ lưỡng trong mọi vấn đề. Từ việc đọc các tài liệu công nghệ, đến việc hiểu mô tả, quy trình dự án, thông qua đó có thể tối ưu hóa công việc và phân phối phù hợp.
Những kỹ năng mềm tạo nên sự khác biệt giữa lập trình viên thông thường và lập trình viên Senior
Kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm dày dặn chưa hẳn đã là tất cả những gì làm nên một Senior Developer, trong mắt các nhà tuyển dụng, các lập trình viên còn cần sở hữu một số các kỹ năng mềm đáng quý/ giá sau mới được xem làm một ứng viên Senior đáng được săn đón:
- Nhạy bén, có tư duy logic và phổ quát
- Khả năng sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên
- Tinh thần học hỏi cao
- Có định hướng làm team leader & trách nhiệm trong công việc
- Khả năng giao tiếp tốt
- Tinh thần tự học & phấn đấu không ngừng
Bên cạnh đó, những kỹ năng “cứng” của Senior Developer có thể bao gồm những điều sau:
- Trình độ chuyên môn cao
- Có ít nhất từ 3 năm kinh nghiệm làm việc trở lên
- Sự chia sẻ, đóng góp tích cực vào cộng đồng Open Source
- Khả năng chuyên môn trong ít nhất một vài ngôn ngữ lập trình
- Kinh nghiệm làm việc trên đa dạng công cụ phần mềm, nền tảng
- Hiểu biết và có kinh nghiệm làm việc với các xu hướng công nghệ mới
Vậy làm thế nào để được công nhận là một Senior Developer?
Liệu thâm niên, hay nói cách khác, liệu công thức “sống lâu lên lão làng” có thể giúp bạn trở thành 1 Senior Developer. Câu trả lời là không!
Không có công thức hướng dẫn chung nào để trở thành một Senior Developer hàng đầu – tất cả phụ thuộc vào chuyên môn và nỗ lực rèn luyện tính chuyên nghiệp trong công việc của bạn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng làm nổi bật một số yếu tố chính mà bất cứ ai quan tâm đến vị trí này sẽ cần sở hữu:
Sự chủ động nâng cao kỹ năng lập trình, cập nhật công nghệ
Ngành công nghiệp CNTT đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết sau mỗi năm trôi qua. Rõ ràng, rất khó để “làm chuyên gia” ở mọi khía cạnh trong bối cảnh công nghệ thay đổi không ngừng. Sự thực là bạn không thể nắm vững công nghệ mới và giải quyết mọi thứ liên quan đến lập trình, mã hóa ngay cả sau khi đã trở thành một chuyên gia thực sự giỏi. Vậy, nhiệm vụ chính của bạn là luôn cập nhật các xu hướng mới nhất liên quan đến chuyên môn của bạn và có thể sử dụng chúng hỗ trợ, cải thiện cho công việc hiện tại.
Đặt mục tiêu trở thành một team leader
Vị trí này chắc chắn đòi hỏi một người có khả năng chuyên môn giỏi. Nhưng như vậy chưa đủ. Team Leader cũng phải có tầm ảnh hưởng nhất định đối với các thành viên còn lại, có thể chỉ ra cách thức và nhiệm vụ theo hướng đơn giản nhất và quan trọng nhất là, chịu trách nhiệm về chất lượng của dự án do nhóm thực hiện;
Khả năng giao tiếp tốt với khách hàng
Trách nhiệm chung của Senior Developer là giải thích cho khách hàng một cách đơn giản và dễ hiểu nhất tất cả những gì liên quan đến phần kỹ thuật của dự án. Trên thực tế, hầu hết các lập trình viên đều không có kỹ năng giao tiếp tốt. Hãy trau dồi khả năng giao tiếp của mình bằng cách: Học và nâng cao kỹ năng tiếng Anh; Đọc càng nhiều tài liệu càng tốt liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang cộng tác với khách hàng. Có như vậy, bạn không chỉ khẳng định vị thế của mình trong nhóm, mà còn cải thiện được khả năng giao tiếp của bản thân, đáp ứng hài hòa được những mong muốn của khách hàng.
Và đừng quên tham gia đóng góp cho cộng đồng các nhà phát triển
Các Senior Developer thường có xu hướng chia sẻ những kiến thức mình đã trau dồi được để mang lại nhiều giá trị tốt cho cộng đồng. Đó là lý do tại sao họ cố gắng đóng góp cho cộng đồng các nhà phát triển chuyên về một lĩnh vực CNTT nhất định, có thể là trí tuệ nhân tạo hoặc blockchain,…. Các chuyên gia như vậy, thông thường, sẽ đăng các bài hướng dẫn cá nhân trực tuyến, các bài báo giáo dục, cũng như các dự án đầy đủ (VD: GitHub).
Nếu đã là 1 Senior Developer, có bao giờ bạn tự hỏi mình khả năng hay kỹ năng nào bạn tự hào nhất ? Những kiến thức nào mình đã tích lũy được? Những cống hiến bạn có thể mang lại cho cộng đồng?
Ở Sutunam, với tinh thần cộng tác, mỗi cộng sự dù là junior developer hay senior developer sẽ luôn có cơ hội được thể hiện những điểm mạnh kỹ năng của bản thân và được công nhận xứng đáng cho mọi nỗ lực công việc. Chúng tôi khuyến khích các lập trình viên học hỏi và hoàn thiện từng ngày bởi công nghệ vẫn luôn tiếp tục chuyển mình và hành trình sự nghiệp còn là một chặng đường dài, bạn luôn có khả năng để trau dồi thêm những kỹ năng mới ngay cả khi đã là một Senior Developer.
“There is always room for improvement.” – đó là câu nói mà chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi với nhau trong mỗi buổi trò chuyện.
Với những nỗ lực học hỏi, hoàn thiện bản thân song hành và bổ sung cho những nỗ lực hoàn thiện hơn nữa về chất lượng, cánh cửa của Sutunam luôn mở rộng với những con người, dù bạn là Fresh Grad – Junior hay Senior Developer, cùng chí hướng, cùng mindset về nghề nghiệp. Join us if you want to be stronger!
Bạn có đang tìm kiếm vị trí Senior Software Developer trong môi trường làm việc châu Âu?
Hãy liên hệ với chúng tôi qua: hr.vietnam@sutunam.com
hoặc có thể đọc thêm JD của Senior Software Developer tại đây.