Magento luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà bán lẻ trong việc chọn lựa xây dựng website Thương mại điện tử của riêng mình. Với khả năng tích hợp cao và hỗ trợ tốt các đặc thù bán hàng trực tuyến, Magento xứng đáng nắm vị trí hạt nhân trong công cuộc chuyển đổi số của mỗi doanh nghiệp. Ở đó, website không chỉ đóng vai trò là phương tiện marketing, hiển thị sản phẩm thông thường, mà còn là một công cụ phát triển doanh số, quản trị khách hàng và sản phẩm hiệu quả.
Khá nhiều doanh nghiệp có chung nỗi niềm:
- Làm sao để tối ưu hóa website Magento để có được doanh số tốt hơn?
- Thiết kế đẹp hay chức năng độc lạ mới là thứ níu chân khách hàng?
- Tôi cảm thấy website của tôi hoạt động không hiệu quả, không có tính cạnh tranh, làm sao để cải thiện?
Câu trả lời nằm ở việc tăng cường trải nghiệm khách hàng. Vì thương mại điện tử không chỉ dừng lại là ở việc mua hàng và thanh toán online, hay là ở thiết kế long lanh màu sắc, website cần có khả năng mang lại giá trị cho cả phía người dùng và doanh nghiệp theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Trong bài viết này, Sutunam sẽ tập trung giới thiệu về các hệ thống thứ ba có thể kết nối với website, mà mỗi hệ thống này lại có hiệu quả thay đổi đáng kể trải nghiệm người dùng trên website, từ đó giải quyết các bài toán tối ưu hóa doanh số.
1. Hệ thống email marketing tự động
Đây là chức năng không xa lạ gì đối với website TMĐT. Người dùng mua hàng, sau khi thanh toán và kết thúc quá trình đặt hàng, người dùng sẽ nhận được email xác nhận đơn hàng.
Dưới khía cạnh kỹ thuật, website Magento sẽ được kết nối với một hệ thống quản lý email bên thứ ba (ví dụ như Mailjet, SendinBlue, Mailchimp, v…v) để tự động gửi các email liên quan đến đơn hàng như: xác nhận, thông báo tình trạng đơn hàng đã được vận chuyển hay đã kết thúc. Sự chuyên biệt khi gửi từ hệ thống bên thứ ba, thay vì gửi trực tiếp từ server của website giúp email được hỗ trợ gửi tốt hơn, bảo mật cao hơn và tránh viêc hacker lợi dụng spam.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là mục đích cơ bản nhất của việc sử dụng email trong website, là bề nổi của tảng băng chìm đối với Email automation (email tự động hóa) nhằm marketing và chốt sale hiệu quả. Ta cũng có thể vận dụng tích hợp sâu để email theo chân khách hàng trong quá trình mua sắm. Ví dụ như:
- Email về các chính sách hấp dẫn
Doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến dịch gửi email về các hình thức khuyến mãi mới, giới thiệu sản phẩm, chương trình nổi bật của website để đưa ưu đãi phù hợp với khách hàng.
- Email nhắc nhở về giỏ hàng bỏ dở của khách hàng
Đây là một chức năng rất đáng chú ý để tăng khả năng kết thúc đơn hàng.
Theo thống kê của Orberlo năm 2021:
69% giỏ hàng bị bỏ dở vì nhiều lý do khác nhau. Các email nhắc nhở về giỏ hàng bỏ dở có tỉ lệ mở 45% và tỉ lệ click tiếp tục thanh toán là 21%.
Điều này giúp doanh nghiệp không bỏ lỡ mất một số lượng đáng kể đơn hàng chờ từ người mua. Thêm nữa, họ cũng có thể áp dụng các chính sách marketing tối ưu hơn (ví dụ: miễn phí vận chuyển hay mã giảm giá) trong loại email này để tăng khả năng chuyển đổi.
- Nghiên cứu hành vi khách hàng
Nhiều công ty xây dựng cho mình một quy trình marketing email theo quy chuẩn, bao gồm một hệ thống email tích hợp tự động sẽ được gửi tuần tự theo từng ngày với mục đích khác nhau. Việc này giúp nghiên cứu hành vi thực tế và thực hiện các chính sách tùy chỉnh email cho các nhóm người dùng. Từ đó kiểm thử chính sách nào có khả năng tăng doanh số nhiều nhất.
- Khuyến khích người dùng viết đánh giá trên website
Tự động gửi email nhờ người dùng đánh giá sản phẩm sau khi kết thúc đơn hàng. Việc website hiển thị những nhận xét, đánh giá thực tế sẽ làm tăng mức độ tin cậy của website.
Để khuyến khích khách hàng viết lại chia sẻ của mình, doanh nghiệp có thể áp dụng cách chính sách: tích điểm, tặng điểm thưởng,… cho mỗi đánh giá thành công trên trang.
2. Kết nối với hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP
Doanh nghiệp thông thưởng phải mở rộng phân phối qua rất nhiều kênh bán hàng: website, cửa hàng thực tế, trên trang mạng xã hội, trên các sản TMĐT nội địa hoặc quốc tế. Thế nên, tình trạng họ thường gặp phải là tồn kho không đồng nhất do các kênh không liên kết với nhau: ví dụ hàng đã hết do bán ở cửa hàng, nhưng trên website vẫn cho phép đặt hàng. Điều này gây ra rắc rối lớn cho cả admin quản trị của website lẫn người dùng. Rắc rối là vậy nhưng đây mới là một trong số nhiều vấn đề mà doanh nghiệp bán hàng đang phải đối mặt.
Để giải quyết cả những vấn đề khác, thậm chí lớn hơn, ta cần liên kết website với phần mềm quản trị của doanh nghiệp ERP. Việc kết hợp hai chiều sẽ giải quyết nhiều bài toán về đồng nhất dữ liệu của doanh nghiệp, bao gồm:
- Quản trị thông tin sản phẩm: thêm mới, sửa chữa, xóa bỏ trên toàn bộ các kênh bán hàng mà không phải lặp đi lặp lại nhiều thao tác thủ công ở từng kênh riêng biệt, giảm sai sót và thời gian chỉnh sửa
- Quản trị đơn hàng và cập nhật thông tin tài chính tổng quan theo thời gian thực
- Đồng bộ tồn kho để đảm bảo việc vận hành, mang tới trải nghiệm và thông tin kịp thời cho người dùng
- Quản trị vận chuyển: hiển thị giúp người dùng kiểm tra hành trình và trạng thái đơn hàng
- Tiền đề để có thể phát triển nhiều tính năng cá nhân hóa hơn trên website: gửi thông báo về sản phẩm yêu thích của người dùng khi có hàng, thông báo cho admin khi sản phẩm gần hết hàng, thông báo tới bộ phận kế toán khi khách yêu cầu xuất hóa đơn, v…v
- Phát triển nhiều store trên website Magento mà không ảnh hưởng tới hiệu quả tổ chức
- Xử lý các chiến dịch khuyến mãi với số lượng đơn hàng lớn thuận lợi, không tốn thêm chi phí vận hành.
Tùy vào quy mô của doanh nghiệp, ta có thể nghiên cứu về mức độ tích hợp sâu đến đâu giữa hai hệ thống. Việc kết hợp này là bước đệm chắc chắn cho sự phát triển dài lâu của doanh nghiệp.
3. Kết nối hệ thống CRM (quản lý khách hàng)
Chúng ta đều hiểu về định luật 80-20 phổ biến trong kinh doanh: 20% khách hàng trung thành mang lại 80% lợi nhuận cho doanh nghiệp. Việc quan tâm chăm sóc khách hàng, tăng tỉ lệ chuyển đổi khách hàng mới thành khách quen là một trong mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp có các chuỗi cửa hàng, chương trình thẻ thành viên hiệu quả, giữ lại các ưu đãi và cập nhật chúng trên website cho nhóm khách hàng trung thành là đặc biệt quan trọng.
Đây cũng là một hình thức thực hiện Omnichannel cho doanh nghiệp giúp người dùng có trải nghiệm đồng nhất, dù họ có mua hàng ở cửa hàng thực tế hay ở website, thì họ vẫn được áp dụng chính sách như nhau: tích điểm theo đơn hàng mua, giảm giá theo nhóm/hạng người dùng khác nhau, điểm mua hàng online sẽ được giá tốt hơn khi mua hàng ở cửa hàng thực tế, v…v…
Bằng việc liên kết hệ thống quản trị khách hàng CRM với Magento, doanh nghiệp cũng có thể có cái nhìn tổng quan hơn về khách hàng, đưa ra đánh giá và nhận định về hành vi khách hàng, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp:
- Kích thích thêm việc mua hàng từ nhóm khách ít kết nối
- Gợi ý các sản phẩm phù hợp dựa trên nhu cầu sở thích của khách hàng
- Đưa ra các tính năng đặt hàng lại, đặt hàng giống đơn cũ cho nhóm khách hàng có nhu cầu lặp lại, giúp việc thanh toán và mua sắm nhanh gọn hơn
- Quảng bá sản phẩm có tính cá nhân hóa, phù hợp hơn với người dùng
- Thấu hiểu các pain-point (khúc mắc) khiến khách hàng bỏ dở đơn hàng hay gợi ý thời điểm mua hàng phù hợp. Từ đó xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Tựu chung lại, đối với cả 3 hệ thống trên, việc kết hợp này sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa – một trong những yếu tố cực kì quan trọng nhằm tăng doanh số bán hàng và xây dựng tính cạnh tranh cao cho doanh nghiệp bán lẻ hiện đại trong kỷ nguyên công nghệ.
Với kinh nghiệm sâu rộng trong việc tư vấn chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp, cùng hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế trải nghiệm người dùng, Sutunam tự tin sẽ mang lại những giải đáp tận tình và phù hợp nhất cho mọi loại hình doanh nghiệp, nhà bán hàng. Chúng tôi sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của bạn thông qua liên hệ này
Hi vọng rằng bài viết đã mang tới góc nhìn đầy đủ hơn về việc vận hành website TMĐT Magento và khả năng mở rộng của nó trên hành trình phát triển doanh nghiệp.