08.04.20

Chiến lược viết CV ấn tượng để trở thành ứng viên nổi bật dành riêng cho Software developer

tự lên 1 danh sách gồm các kỹ năng, phẩm chất và thành tựu của bản thân bạn
5/5 - (2 bình chọn)

Lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và Lập trình nói riêng đang rất được săn đón trên thị trường lao động hiện nay. Chắc hẳn bạn đã nhìn thấy những tiềm năng này từ trước, hoặc có thể bạn may mắn khi lựa chọn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này. Dù thế nào đi nữa, thì để có được một vị trí trong công ty công nghệ bạn hàng mong muốn cũng không phải đơn giản vì mọi thứ dường như đều có giá của nó. Bởi lĩnh vực lập trình không những đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng công nghệ. Và ngay cả khi tích lũy được những kỹ năng trên nhưng bạn không biết thể hiện chúng với Nhà tuyển dụng thì bạn có thể sẽ phải hài lòng với một công việc ở những doanh nghiệp nhỏ, và luôn hoài nghi về định hướng sự nghiệp của mình. Mấu chốt là ở chỗ bạn cần đầu tư suy nghĩ xem: Bạn muốn một công việc như thế nào? Bạn cần thể hiện mình ra sao để có được công việc đó?

Chiến lược viết CV ấn tượng để trở thành ứng viên nổi bật dành riêng cho Software developer

Bài viết này bao gồm những hướng dẫn cụ thể, đi kèm các ví dụ minh họa, được đúc rút từ kinh nghiệm tuyển dụng lập trình viên sau gần 10 năm tại Sutunam sẽ chỉ cho bạn cách chuẩn bị một lý lịch công việc (CV) hiệu quả.

Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết cách:

  • Nhắm đúng lĩnh vực hoặc vị trí mục tiêu mà bạn muốn
  • Gây ấn tượng ngay từ vòng sàng lọc hồ sơ
  • Sử dụng những từ ngữ thuyết phục để diễn tả các thành tích trong công việc
  • Bố cục nội dung CV rõ ràng, dễ đọc và sáng tạo.

Đầu tiên, chúng ta hãy cùng nhìn lại trường lao động dành cho các lập trình viên và các kỹ năng công việc bạn đang có.

1. Thị trường lao động lĩnh vực lập trình

Về cơ bản, lập trình viên là những người chuyên xây dựng, cài đặt, thực hiện, duy trì phần mềm và cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên phát triển phần mềm còn đòi hỏi hàng tá các kỹ năng khác nhau. Trên thực tế, có thể kể đến hơn chục loại thiết kế phần mềm khác nhau ví dụ như dưới danh sách sau:

  • Front-end or client-side
  • Back-end or server side
  • Full-stack
  • Web
  • Mobile
  • Game
  • Data scientist
  • Big data
  • DevOps
  • CRM
  • Software development engineer in test (SDET)
  • Embedded
  • Security

Có thể bạn đang tập trung vào một chuyên ngành hoặc đang quan tâm tìm hiểu một chuyên ngành nào đó. Hoặc cũng có thể bạn đã có cơ hội lập trình trên nhiều loại dự án khác nhau và đang tìm kiếm một thử thách mới. Dù thế nào thì một CV chuyên nghiệp sẽ là một điểm khởi đầu tuyệt vời cho hành trình tiếp theo.

Số liệu thống kê

Lĩnh vực CNTT đã tạo ra 62,829 việc làm năm 2019 tăng 56% so với năm trước đó. Và dự đoán, năm 2020 Việt Nam sẽ cần hơn 400,000 nhân lực ngành IT, và con số này sẽ tăng lên đến 500,000 vào năm 2021.
Tuy nhiên, vì cơ hội việc làm trong lĩnh vực này rất nhiều cho nên hàng năm có 50,000 sinh viên CNTT tốt nghiệp từ hơn 153 trường đào tạo CNTT.
Tất nhiên, không phải tất cả những sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành các nhà phát triển phầm mềm. Nhưng thực tế này cho thấy, thị trường việc làm lĩnh vực phần mềm ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Cũng giống như việc lựa chọn lĩnh vực Lập trình thì lập trình viên cũng có nhiều lựa chọn trong hình thức làm việc. Một số lập trình viên lựa chọn làm việc tự do thay vì làm việc toàn thời gian cho một công ty, điều đó mang lại một sự linh động nhất định về thời gian. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng freelance, thường thì họ cũng sẽ cần phải đi tìm một dự án khác.
Dù làm việc ở hình thức nào, nếu biết cách viết một bản CV chuyên nghiệp thì bạn hoàn toàn có thể tiếp cận tới những Nhà tuyển dụng uy tín, các công ty headhunt đang ngày ngày tìm kiếm những hồ sơ sáng giá trên thị trường.

Gợi ý

Là một lập trình viên, chắc chắn bạn biết đến khái niệm data và thuật toán. ATS (Applicant tracking system) là một thuật toán ưu tiên các từ khóa và một số loại thông tin khác và sử dụng chúng để sắp xếp mức độ ưu tiên cho các hồ sơ ứng viên.
Mục đích của các ATS là để loại bỏ các hồ sơ không phù hợp với thuật toán. Vậy việc của bạn là sử dụng các từ khóa phù hợp để đảm bảo hồ sơ của bạn đến được người tuyển dụng có quyền quyết định.

2. Nội dung nào nên có trong CV Lập trình viên?

Thường thì các CV đều có những nội dung giống nhau, tuy nhiên về bản chất, lập trình là công việc dựa trên các dự án vì thế bạn có thể trình bày nội dung khác đi một chút. Dưới đây là một số phần mà bạn chắc chắn nên để vào CV của mình:

  1. Tóm tắt hồ sơ (Summary): Mô tả ngắn gọn về con người bạn, về các thành tích của bạn, sơ lược những thông tin chính mà bạn muốn nhà tuyển dụng nhìn nhận về mình. Thường thì phần này được đặt trang trọng ở ngay đầu lý lịch.
  2. Học vấn (Education): Mặc dù bằng cấp ngày càng ít được đề cao, nhất là trong lĩnh vực này tuy nhiên đây cũng là phần bạn không nên bỏ qua. Nếu đạt được một số thành tựu ở trường đại học hay tham gia một vài khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp quan trọng hãy thêm những chi tiết đó vào phần này.
  3. Kỹ năng (Skills): Danh sách các kỹ năng này sẽ giúp các Nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp của bạn với vị trí đang được tuyển.
  4. Tiếp đến là phần quan trọng nhất: Lịch sử công việc hoặc Danh sách các dự án đã tham gia. Đây là phần lập trình viên nên chú trọng nhiều nhất. Vậy câu hỏi là, nên trình bày theo vị trí công việc (hoặc công ty) hay trình bày theo dự án. Nếu bạn có nhiều năm làm việc freelance hoặc thường đảm nhiệm các dự án độc lập thì nên trình bày lịch sử công việc theo dự án. Trong trường hợp này, bạn nên nêu bật được các kỹ năng và giải thích thêm về thành tựu đạt được qua các dự án với tư cách là một nhà lập trình. Các trình bày này cũng có thể được sử dụng nếu bạn đảm nhiệm các dự án độc lập hoặc một số dự án ở trường đại học.
    Một yếu tố khác nữa cần cân nhắc đó là tùy vào vị trí công việc bạn đang ứng tuyển. Hãy đặt cho mình câu hỏi: Liệu tôi có thể nêu bật được các thành tựu của mình bằng cách nào? qua các vị trí đã đảm nhiệm hay qua các dự án đã phát triển? Vì nói cho cùng thì chẳng có lý do gì mà bạn lại không thể mô tả các dự án dưới một chức danh công việc cả.

3. Tóm tắt hồ sơ – bức tranh toàn cảnh ấn tượng về bản thân và sự nghiệp

Hãy tưởng tượng phần này như là sân khấu nơi bạn đứng để giới thiệu về bản thân, là bàn đạp để bạn đi tiếp vào những vòng sâu hơn ở một cuộc thi, do đó hãy nói về những thành tựu một cách trực diện và khiêm tốn, không phô trương.

Mấu chốt để viết được phần tóm tắt hồ sơ (summary) là lựa chọn đúng những từ ngữ mạnh mẽ và xác đáng. Nhờ đó, Nhà tuyển dụng cảm nhận được sự chuyên nghiệp trong phong cách làm việc và những thành công nhất định bạn đã đạt được trong những năm vừa rồi. Phần này đòi hỏi một chút sáng tạo và đừng e ngại khi nói về bản thân mình. Và thực tế là bạn chỉ có cơ hội thể hiện bản thân duy nhất ở mỗi phần này trong cả bản CV mà thôi 🙂

Tóm tắt hồ sơ - bức tranh toàn cảnh ấn tượng về bản thân và sự nghiệp

Điều Nhà tuyển dụng quan tâm nhất là những gì bạn có thể mang lại cho vị trí công việc này. Hãy luôn nghĩ đến điều đó trong đầu trong suốt thời gian ứng tuyển (không chỉ mỗi lúc chuẩn bị lý lịch). Để viết được phần Tóm tắt hồ sơ tốt, hãy nghĩ đến một số thành công, những việc đã làm được mà bản thân thấy tự hào. Hãy viết hai đến bốn câu để giới thiệu về những thành tựu đó với Nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, hãy viết thêm một đến hai câu về những kỹ năng và những tính cách khiến bạn khác biệt so với các Lập trình viên khác và khẳng định bạn phù hợp với vị trí công việc này hơn ai hết.

Số liệu thống kê

Thống kê cho thấy thời gian trung bình Nhà tuyển dụng sàng lọc hồ sơ của ứng viên là 10’s trước khi quyết định xem có nên xem xét kỹ hồ sơ hay không. Vì vậy, hãy đầu tư thời gian và làm hồ sơ của bạn nổi bật ngay trong quá trình sàng lọc này.

Ví dụ về Tóm tắt hồ sơ ấn tượng

Senior profile

Detail-oriented, certified, and organized ‘PHP Programmer’ with 6+ years of experience in designing and developing dynamic web application/software. Capable of understanding client requirements and translating into code to add new features or modifications for existing products. Adept in coordinating with testers to perform acceptance testing as well as maintain technical documents.Experience in common third-party APIs. Ability to work with the team, and have excellent problem-solving, and interpersonal skills.

Junior profile

A junior PHP developer with 2 years experience in coding of e-commerce websites. Possessing considerable knowledge of the development of web and applications using PHP programming language and MySQL & SQL Server databases and having the enthusiasm and ambition to complete projects to the highest standard.
Looking for a suitable developer position with a ambitious & exciting company.

Fresher developer

A new graduate developer from HUST with good basic knowledge of website development, able to write well-designed, testable and efficient code using current best practices in Web development. Proficient in English communication, hard worker and a team player who is seeking a position in web development or technical support where I can apply my knowledge and skills for continuous improvement.

4. Kỹ năng – Hãy đưa ra cho Nhà tuyển dụng những kỹ năng họ mong đợi

Lập trình là một nghề đòi hỏi rất nhiều các kiến thức công nghệ đồng thời cũng đòi hỏi nhiều khả năng khác nữa. Phần trình bày về kỹ năng chính là nơi bạn thể hiện một cách cô đọng về khả năng làm việc của mình, giúp Nhà tuyển dụng nhận biết được kiến thức của ứng viên tập trung ở lĩnh vực nào. Hiển nhiên là nghề lập trình đòi hỏi bạn không những phải nắm vững chuyên môn ở nhiều ngôn ngữ, framework, công cụ mà còn phải luôn theo sát và cập nhật những kiến thức công nghệ mới.

Dưới đây là danh mục các kỹ năng công nghệ, còn gọi là kỹ năng cứng, mà các Nhà tuyển dụng thường tìm kiếm:

  • Data structures and algorithms
  • Programming, scripting, and markup languages
  • Source control
  • Text editors
  • Integrated development environments (IDEs)
  • Databases
  • Operating systems
  • Networking basics
  • Basics of testing
  • Cross-platform software
  • Encryption and cryptography
  • Software development life cycle (SDLC).

Bên cạnh đó, giống như tất cả các ngàng nghề khác, lập trình viên còn cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm, hoặc các kỹ năng tương tác cá nhân. Vì thế, không nên xem nhẹ những kỹ năng này. Thực tế là điểm khác biệt tạo nên những nhân sự xuất sắc lại là các kỹ năng mềm. Dưới đây là một số kỹ năng mà các Nhà tuyển dụng thường tìm kiếm:

  • Khả năng thích ứng (Adaptability)
  • Làm việc theo nhóm (Teamwork)
  • Khả năng chấp nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng (Ability to accept constructive criticism)
  • Đồng cảm (Empathy)
  • Khả năng tiếp cận (Approachability)
  • Tính kiên trì (Perseverance)

Đây chỉ là một vài kỹ năng mềm mà bạn nên tham khảo để kết hợp vào phần Kỹ năng trong CV của mình. Tuy nhiên, các kỹ năng mềm quan trọng nhất chính là những kỹ năng đã được ghi rõ trong bản Mô tả công việc. Đó là những kỹ năng mà các Nhà tuyển dụng sẽ lướt qua để sàng lọc ứng viên và xếp hạng hồ sơ ứng viên.

Số liệu thống kê

Theo báo cáo Global Talent Trends năm 2019 của LinkedIn, 92% Nhà tuyển dụng và Quản lý tuyển dụng xếp kỹ năng mềm quan trọng ngang kỹ năng cứng. Trong đó, ba kỹ năng mềm được coi trọng nhất gồm sáng tạo, thuyết phục và hợp tác.

Việc đầu tiên nên làm để phát triển bộ kỹ năng của mình chính là tự lên 1 danh sách gồm các kỹ năng, phẩm chất và thành tựu của bản thân bạn.

Việc đầu tiên nên làm để phát triển bộ kỹ năng của mình chính là tự lên 1 danh sách gồm các kỹ năng, phẩm chất và thành tựu của bản thân bạn. Cứ định kỳ 6 tháng hay 1 năm, bạn hãy xem lại danh sách kỹ năng này và bổ sung những kỹ năng, kiến thức và thành tựu mới đạt được. Khi quyết định chuyển một công việc mới, bạn hãy xem lại danh sách này một lần nữa và lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình.

5. Lịch sử công việc

Như đã nói ở phần trên của bài viết này, có hai cách để thể hiện lịch sử công việc: Theo công ty hoặc theo dự án. Nếu vẫn băn khoăn giữa hai cách tổ chức nội dung này thì bạn  nên dành một chút thời gian để nhìn lại quá trình sự nghiệp của mình. Luôn nhớ rằng, cách tổ chức lịch sử công việc sẽ định hình hình ảnh của bạn trong mắt các Nhà tuyển dụng. Và dù bạn chọn cách nào thì cũng nên viết chi tiết về các kỹ năng theo hướng ngày một phát triển.

Với phần này, không nên dừng lại ở việc liệt kê các nhiệm vụ và vai trò ở vị trí hay dự án trước thay vào đó hãy tập trung viết về các thành tựu của bạn: những vấn đề đã giải quyết, những thách thức đã vượt qua, những bài học sau mỗi dự án. Hãy sử dụng các chi tiết và dữ liệu bất cứ nơi nào có thể. Nếu bạn không muốn nói về con số, hãy nói về phần trăm.

Chỉ rõ tên dự án hoặc chương trình phần mềm bạn đã làm và kết quả cuối cùng của dự án: Dự án có hoàn thành đúng tiến độ? có nằm trong ngân sách đã định? Bạn có phát triển thêm tính năng nào không? Đã vượt qua được thử thách nào trong quá trình phát triển dự án.

Lịch sử công việc theo vị trí công việc nên được trình bày từ thời điểm gần nhất tới thời gian xa nhất. Tuy nhiên, nếu tổ chức theo dự án thì bạn có thể nhóm các dự án có chung công nghệ, hoặc ngôn ngữ lập trình lại với nhau hoặc theo vai trò của bạn trong dự án đó (Ví dụ: Các dự án bạn làm Back-end hoặc các dự án bạn làm Fullstack).

Sử dụng các động từ khi nói về kinh nghiệm làm việc

Bạn có thể có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc dày dặn tuy nhiên nếu bạn không biết cách thể hiện chúng thì Nhà tuyển dụng cũng sẽ khó nhận ra năng lực thực sự của bạn (nên nhớ hầu hết các Nhà tuyển dụng không có chuyên môn về công nghệ). Hãy sử dụng các động từ để thể hiện được các thế mạnh của mình và bạn chính là người có thể hoàn thành tốt vai trò của vị trí đang được tuyển dụng:

  • Phân tích (Analyzed)
  • Thúc đẩy (Accelerated)
  • Giải quyết (Solved)
  • Xây dựng lại (Rebuilt)
  • Áp dụng (Applied)
  • Sửa đổi (Modified)
  • Giải mã (Decoded)
  • Xác minh (Verified)
  • Tăng cường (Enhanced)

Một số động từ giúp bạn thể hiện mình là người có kỹ năng mềm rất tốt:

  • Thuyết phục (Persuaded)
  • Đàm phán (Negotiated)
  • Khái niệm hóa (Conceptualized)
  • Xúc tiến (Expedited)
  • Khuyến khích/ thúc đẩy tinh thần (Motivated)
  • Ủng hộ (Advocated)

Đôi khi, sử dụng đúng các từ ngữ đắt giá sẽ mang lại những hiệu quả ngoài mong đợi. Những động từ này có sức mạnh biến một lý lịch tốt thành một lý lịch tuyệt vời!

6. Học vấn – Hãy thể hiện bạn là con người không ngừng học hỏi

Các nhà phát triển phần mềm trên Thế giới luôn luôn phải trau dồi kiến thức và kỹ năng. Do đó, nếu có điều kiện, bạn nên học lên thạc sỹ. Chương trình đại học thực chất mới chỉ cung cấp các kiến thức đại cương, còn với chương trình thạc sỹ bạn đã bắt đầu phải thực sự bắt tay vào nghiên cứu một đề tài. Thế giới công nghệ không ngừng phát triển và kỹ năng của bạn cũng cần được cập nhật thường xuyên để theo kịp tốc độ phát triển đó. Hãy thể hiện mình là một người không ngừng học hỏi ở mục Học vấn. Hãy liệt kê các chứng chỉ chuyên môn, và các bằng cấp của bạn ở phần này.

Nếu không có điều kiện theo học một chương trình nào đó, hãy đăng ký học online. Các chứng chỉ không những giúp bạn có thêm kiến thức mà cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh của bạn so với các ứng viên khác. Càng sở hữu các chứng chỉ có giá trị như Magento, Zen hay Symfony, bạn càng được săn đón trên thị trường lao động.

7. Thiết kế và bố cục

Giống như một chương trình phần mềm, lý lịch của bạn nên được bố cục đơn giản và thanh lịch nhất có thể 🙂 Hãy áp dụng các nguyên tắc thiết kế phần mềm cho chính hồ sơ của bạn: sạch sẽ, cân đối và dễ đọc. Với lĩnh vực front-end, công việc yêu cầu nhiều về tính thẩm mỹ và sáng tạo, hay thêm một chút điểm nhấn vào CV của bạn, nhưng đừng thái quá. Đơn giản và thanh lịch, nhớ nhé!

NÊN

  • Chia các mục nội dung rõ ràng
  • Viết thêm chú thích nếu phần Lịch sử công việc bố cục theo dự án
  • Đọc kỹ và kiểm tra các lỗi chính tả
  • Sắp xếp các câu ngay ngắn và có độ dài tương đối đồng đều
  • Nên nhờ một người có kinh nghiệm đọc lại và góp ý
  • Để thông tin liên lạc ở vị trí nổi bật

KHÔNG NÊN

  • Đưa thông tin vào phần header & footer
  • Sử dụng các font chữ nghệ thuật, khó đọc
  • Cố nhồi nhét quá nhiều thông tin
  • Để những khoảng trống trong Lịch sử công việc mà không kèm theo chú thích

Là một lập trình viên, chắc chắn bạn biết cách kiểm tra các định dạng. Thậm chí, bạn có thể sử dụng một phần mềm miễn phí hoặc một công cụ mã nguồn mở để tự tạo lý lịch của mình.

Kết luận

Các nội dung cần nắm được qua bài viết này gồm :

  1. Lập trình phần mềm là một ngành đang phát triển, với nhiều con đường sự nghiệp tiềm năng.
  2. Khai thác các từ khóa từ bản mô tả công việc để làm nổi bật hồ sơ của bạn ngay từ vòng sàng lọc.
  3. Xây dựng lý lịch của bạn dự trên bộ kỹ năng (cứng và mềm) phù hợp với yêu cầu của công việc.
  4. Sử dụng động từ, dữ liệu, và thông tin chi tiết để minh họa cho khả năng và kinh nghiệm làm việc.
  5. Bố cục lý lịch sạch sẽ, đơn giản và dễ đọc.
  6. Sử dụng các công cụ hoặc phần mềm để thiết kế lý lịch nếu cần.

Và cuối cùng, bạn có thể tải các mẫu CV dành cho Lập trình viên ở nút DOWNLOAD CV dưới bài viết này và tùy chỉnh chúng theo ý của bạn. Bộ CV mẫu này bao gồm nhiều loại CV phù hợp với các vị trí back-end và front-end developer từ Fresher, Junior đến Senior, chúng tôi hy vọng bạn thấy bài viết cũng như những mẫu CV này hữu ích. Chúc các bạn tìm được vị trí công việc phù hợp và đạt được ước mơ sự nghiệp của mình!

Lược dịch và tổng hợp từ Resume.io